5 giờ sáng, Khánh Chi reo lên ‘con đỗ Yale rồi’, cả nhà Chi bừng tỉnh, ôm nhau nhảy múa, chúc mừng cô gái 17 tuổi.
Nguyễn Khánh Chi, sinh năm 2005, là học sinh lớp 12 trường TH School, Hà Nội. Ngày 16/12, Khánh Chi nhận email từ Đại học Yale, Mỹ, với dòng chữ “Congratulations” (Chúc mừng bạn). Em được nhận khoản hỗ trợ trị giá 54.000 USD một năm (khoảng 5 tỷ đồng cho bốn năm học), với ba ngành học chính là Lịch sử, Chính trị và Đông phương học. Đây là vòng nộp hồ sơ sớm (vòng Restricted early action) của Yale.
Trong thư thông báo trúng tuyển, phó giám đốc tuyển sinh của Đại học Yale thêm vài dòng chữ viết tay: “Em biết cách dùng những món quà, những thứ mình đang có để khuyến khích mọi người xung quanh – phẩm chất khiến em trở thành một sinh viên của Yale”.
Theo THE, Yale xếp thứ 9 trong bảng xếp hạng đại học thế giới và thuộc nhóm Ivy League gồm 8 đại học danh giá ở Mỹ. Hôm 15/12, trên website, Đại học Yale công bố chấp nhận 776 ứng viên nhập học trong số gần 7.800 hồ sơ của đợt tuyển sớm. Đây là tỷ lệ chấp nhận sớm thấp nhất trong 20 năm qua của đại học này.
“Em không nghĩ mình sẽ đỗ vì Yale giống như một giấc mơ, nhưng trong một năm qua, em đã nỗ lực không nghỉ”, Chi nói.
Từ nhỏ, Khánh Chi có niềm yêu thích đặc biệt với chính trị, được truyền cảm hứng từ ông nội của em, một giáo viên dạy Lịch sử. Nữ sinh thường chăm chú nghe ông kể chuyện, tò mò đặt câu hỏi, rồi tìm tòi các kiến thức mà sách vở chưa nói đến. Lên cấp ba, Chi bắt đầu tham gia các buổi tranh biện (debate). Khi tìm kiếm các bài luận về chính trị, lịch sử, tất cả những bài viết em ấn tượng đều đến từ Đại học Yale.
Tháng 12/2021 là lúc giấc mơ Yale bắt đầu, với cô bé khi đó 16 tuổi. Trong một buổi nói chuyện, Khánh Chi được một người thân động viên rằng em có khả năng, hoàn toàn có thể thử sức với một trường đại học ở Mỹ, thay vì ở Australia như dự định. Chi hỏi ý kiến bố mẹ và nhận được sự ủng hộ, anh trai Chi cũng là du học sinh Mỹ nên có thể giúp em hoàn thiện hồ sơ.
Thời điểm đó, Chi đang thi đấu ở đội tuyển debate. Nữ sinh cùng đồng đội xếp thứ 11 thế giới trong cuộc thi World School Debate Championship 2022; giành ngôi quán quân cuộc thi Hanoi Debate Tournament 2022, á quân World School Debate Open 2022 của câu lạc bộ tranh biện Đại học Harvard.
Tranh biện giúp Chi nâng cao kỹ năng thuyết trình, đọc sách, chắt lọc thông tin để đưa ra các quan điểm của bản thân. “Em làm mọi thứ vì đam mê. Đến khi làm hồ sơ ứng tuyển vào Yale, nó lại là lợi thế của em”, Khánh Chi nhận định.
Trong gần ba năm học ở TH school, Khánh Chi đạt điểm A, A+ ở tất cả môn học. Em từng là chủ tịch hội học sinh năm lớp 10, tham gia viết báo cho trường (TH Hamlet), viết bài cho một tạp chí về nữ quyền, nghiên cứu về lịch sử Việt Nam thời kỳ đổi mới. Em cũng năng nổ trong hoạt động thiện nguyện, đi dạy vẽ, tổ chức workshop nghệ thuật.
Theo gia đình, những hoạt động ngoại khóa giúp nữ sinh có thêm hiểu biết xã hội. Chi rất quan tâm đến sự công bằng cho phụ nữ. “Con luôn cho rằng những gì đàn ông làm được thì phụ nữ cũng làm tốt, thậm chí tốt hơn”, anh Sơn, bố của Chi, nói.
Khi xác định ứng tuyển vào Yale, Khánh Chi dành thời gian ôn thi IELTS và SAT (bài kiểm tra chuẩn hóa dùng xét tuyển đại học ở Mỹ). Chi đạt IELTS 8.5, nhưng kết quả hai lần thi SAT vào tháng 8 và tháng 10/2022 chưa khiến nữ sinh hài lòng, bởi “chỉ vừa đủ đỗ”. Để tiết kiệm thời gian, Chi chuyển luôn sang viết luận, hoàn tất hồ sơ.
Có 7 bài luận cần hoàn thành, trong đó, một bài luận lớn Chi viết trong thời gian nghỉ hè năm lớp 11 và 6 bài luận nhỏ em viết vào đầu năm lớp 12. Trong bài luận lớn, Khánh Chi nói về đam mê lịch sử, chính trị của mình. Ở một số bài luận nhỏ, em lý giải sự quan tâm tới triết học Marx, tại sao em chọn Yale và một bài viết về tổ chức nữ quyền em từng tham gia.
Nhờ sớm xác định được vấn đề mình quan tâm, dành nhiều thời gian tìm hiểu về trường và chắt chiu những chi tiết nhỏ trong cuộc sống thường ngày, Khánh Chi hoàn thành tất cả bài luận trong khoảng 5 tháng.
Chi đoán một lý do khiến Yale chọn và trao học bổng cho em đến từ những hoạt động tích cực và kéo dài xuyên suốt 4-5 năm, từ khi em còn là học sinh cấp 2. “Em nghĩ điều đó cho thấy em không hời hợt, làm mọi việc để đỗ đại học mà thực sự đam mê với các hoạt động đó”, Chi chia sẻ.
Suốt gần một năm theo đuổi giấc mơ Yale, cô gái 17 tuổi luôn vạch ra kế hoạch rõ ràng, từng bước thực hiện nên quá trình chinh phục học bổng tương đối thuận lợi. Tuy vậy, Khánh Chi thừa nhận, có những lúc em thấy mình kiệt sức.
“Khi cùng lúc phải làm nhiều việc khác nhau, thực ra em không cân bằng được. Tuy nhiên, ở mỗi giai đoạn em sẽ ưu tiên một đến hai việc quan trọng”, Chi nói, cho biết lập kế hoạch rất cần thiết trên hành trình thực hiện ước mơ du học.
Chị Hoàng Hương Hoa, mẹ của Chi, nói quá trình làm hồ sơ của con gái hơi gấp rút vì chuyển hướng từ Australia sang Mỹ. Chi phải ôn thi SAT, tham gia lịch thi đấu dày đặc của các giải tranh biện, tìm hiểu và viết bài luận, nhưng vẫn muốn đạt kết quả cao nhất với chương trình A level (chương trình phổ thông Anh quốc) ở trường.
“Nhìn thấy con phờ phạc, bố mẹ rất xót xa, bảo con đừng đặt mục tiêu quá cao, apply vào các trường top 50 thôi, học thì A thôi chứ không cần đến A+. Nhưng bạn ấy luôn cố gắng làm bằng được”, chị Hoa nói. Theo người mẹ, Chi và anh trai được gia đình cho học tiếng Anh từ nhỏ và rất đam mê môn học này, vì thế thuận lợi cho việc du học.
Khánh Chi chia sẻ động lực lớn nhất của em là “tiếc tiền của bố mẹ”. Bố mẹ em phải chi quá nhiều tiền để em tới các buổi tư vấn du học, tiền học thêm, thi cử, tham gia các hoạt động ngoại khóa, trong khi phải lo cho anh trai đang du học Mỹ và một em gái học cấp 1 ở trường quốc tế. Cô gái 17 tuổi không ép bản thân phải gồng mình quá sức nhưng cũng luôn bám sát mục tiêu, không để bố mẹ lãng phí tiền đầu tư cho mình.
Vũ Anh Tuấn, huấn luyện viên debate của Chi, đánh giá nữ sinh sôi nổi, ham học hỏi. Debate là môn mới và khó học, nhưng Chi học rất nhanh. Trong khi người khác có thể mất đến 2-3 năm thì Chi mất không đến một năm để đạt được những thành tích cao.
“Điểm đặc biệt ở Chi là bạn ấy tiếp cận bộ môn với sự chân thành, khác với những em học vì làm dày hồ sơ. Chi đơn giản nỗ lực học để tự làm giàu kiến thức cho bản thân trước, những thành tích khác tự đến theo sau”, anh Tuấn nhìn nhận.
Đại diện TH School cũng cho biết Khánh Chi có nhiều hoạt động và thành tích học tập nổi bật ở trường. “Nhà trường rất tự hào khi biết em vượt qua nhiều học sinh trên thế giới để đỗ Đại học Yale danh giá”, vị này nói.
Dự kiến, tháng 8/2023, Khánh Chi sẽ nhập học ở Mỹ. “Em mơ ước trở thành một chính trị gia, một nhà hoạt động xã hội, giúp ích cho cộng đồng”, Chi cho biết.